Theo những đánh giá ban đầu thì trong năm 2020 Ngành du lịch Việt Nam sẽ chỉ có thể trông cậy vào sự hồi phục một phần của du lịch nội địa.
Cá nhân đồng ý với quan điểm này vì mấy lí do sau:
1/ Tại thời điểm này (14/5/2020) vẫn còn nhiều quốc gia, trong đó một số là nguồn khách du lịch quốc tế chính của Việt Nam hiện vẫn còn đang trong giai đoạn cao điểm của dịch Covid -19.
2/ Dù có một số quốc gia bắt đầu tháo gỡ dần các quy định về giãn cách xã hội, mở cửa biên giới nhưng việc đi lại và mở lại các tuyến bay quốc tế vẫn còn là câu hỏi mở, mơ hồ với nhiều lo ngại và không chắc chắn.
3/ Mùa cao điểm du lịch quốc tế ở Việt Nam kéo từ tháng 10 đến tháng 4 năm sau với một độ lắng nhẹ từ giữa tháng 12 đến giữa tháng 1. Bây giờ nói chuyện lên lịch đi du lịch Việt Nam từ tháng 10/2020 ư? Quên đi.
4/ Nói đến du lịch quốc tế là nói đến thủ tục Xuất nhập cảnh, hàng không quốc tế ít nhất là giữa 2 quốc gia. Như vậy, kể cả nếu Việt Nam hoàn toàn ổn định và mở lại bình thường nhưng các quốc gia khác vẫn chưa ổn định và chưa mở thì cũng chịu.
+ Nếu nói là Du lịch Việt Nam cần tập trung vào du lịch nội địa thì chúng ta sẽ cần lưu ý:
1- 20% dân số cả nước bị giảm sâu về thu nhập
2- 70% người được hỏi nói sẽ cân nhắc lại ngân sách gia đình dành cho du lịch
3- Trong 4 tháng đầu năm 2020, dịch vụ, du lịch và hàng không bị ảnh hưởng nặng nề nhất khi giảm thu tới 94-98%
4- Mùa du lịch nội địa hàng năm tập trung cao điểm vào 3 tháng đầu năm và từ tháng 6 đến tháng 8. Mùa lễ hội 3 tháng đầu năm đã mất. Mùa nghỉ hè từ tháng 6-8 dành để các gia đình cho trẻ con đi chơi. Sau đợt nghỉ cách ly và nghỉ học dài, mùa hè năm nay trẻ con sẽ phải đi học bù và thi đến tận tháng 7, sau đó là lo tìm và chạy trường để nhập học. Trẻ con học và thi, người lớn đi chơi được không?
5- Rất nhiều doanh nghiệp du lịch từ trước tới nay chỉ chuyên làm du lịch quốc tế, nay chuyển hoàn toàn qua du lịch nội địa sẽ thế nào? Xin đừng nói là dễ dàng nhé. Từ cơ sở vật chất đến con người, từ quan điểm quản lý đến tâm lý, thái độ và phong cách phục vụ sẽ có nhiều khoảng trống cần khắc phục
6- Dịp nghỉ lễ 30/4-1/5 vừa qua, nhiều điểm du lịch như Cửa Lò, Tam Đảo, Sầm Sơn, Vũng Tàu, Đà Lạt...đã khá đông khách, có nơi còn bị tắc đường vì xe cộ. Có người nhận định là sau giai đoạn cách ly, mọi người sẽ có xu hướng "bung ra" cho thoải mái nên du lịch nội địa sẽ phục hồi lại sớm. Có người lại cho rằng hiện tượng này chỉ mang tính giải tỏa tâm lý nhất thời chứ du lịch nội địa chưa hẳn sẽ phát triển nhanh.
7- Nếu còn một đợt dịch nữa tiếp theo thì sao? Đây là nguy cơ không ai muốn nghĩ tới nhưng vẫn phải đặt ra. Các nhà khoa học và chuyên gia y tế quốc tế đang cùng tranh luận và chia thành 3 luồng ý kiến: lạc quan, không chắc chắn và bi quan. Nhóm không chắc chắn chiếm tỉ lệ cao nhất. Nhưng điều đáng nói là trong cả 2 nhóm không chắc chắn và bi quan đều đề cập đến việc sẽ có đợt dịch tiếp theo dù sẽ yếu và không kéo dài. Nhưng tất cả cũng chỉ là dự đoán và giả thiết thôi. Đợi xem thực tế thế nào đã.
+ Năm 2019, ngành du lịch thu 775 nghìn tỉ (tương đương khoảng 34 tỉ USD). Do tác động của dịch cúm, trong năm 2020, Du lịch Việt Nam dự báo có thể mất từ 24-29 tỉ USD. Do sẽ không có khách du lịch quốc tế trong năm 2020 nên nguồn thu chỉ có thể trông cậy vào du lịch nội địa. Nếu để mức chi tiêu bình quân trên một lượt khách nội địa là 2 triệu VNĐ thì chúng ta sẽ có 2 kịch bản:
Kịch bản tốt hơn (DLVN chỉ thất thu 24 tỉ USD): phải phục vụ từ 110 - 114 triệu lượt khách nội địa
Kịch bản kém hơn (DLVN thất thu 29 tỉ USD): phải phục vụ từ 55 - 57 triệu lượt khách nội địa
Trong năm 2019, Du lịch Việt Nam đã phục vụ 85 triệu lượt khách nội địa và mục tiêu đặt ra cho năm 2020 (trước khi có dịch COVID-19) là phục vụ 90 triệu khách. Vậy Du lịch Việt Nam thực tế có thể đạt được bao nhiêu khách du lịch nội địa trong năm 2020?
Tốt hơn hết, người Việt Nam đi du lịch Việt Nam. Và du lịch Nghệ An - Luôn sẵn sàng chào đón các quý khách đến để trải nghiệm những điểm đến hấp dẫn của mảnh đất Nghệ An thân yêu.
Nguồn: FB Vương Bằng