Đợt dịch thứ hai về cơ bản đã trong tầm kiểm soát, các chương trình kích cầu tiếp tục được đưa ra để cứu ngành du lịch đang lao đao
Ngày 18/9, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã phát động chương trình kích cầu du lịch nội địa trong những tháng cuối năm 2020. Chủ đề của đợt kích cầu này là "Du lịch Việt Nam an toàn, hấp dẫn". Các địa phương có thể chủ động lựa chọn thông điệp riêng phù hợp với tính hấp dẫn và sản phẩm đặc thù của điểm đến.
Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch tập trung vào các đối tượng khách gồm người Việt Nam, người nước ngoài sinh sống hoặc làm việc tại Việt Nam. Trong thời gian tới, Bộ sẽ thực hiện phát động thị trường, giới thiệu điểm đến, thu hút khách trên cơ sở liên minh kích cầu đợt đầu.
Đơn vị này cũng khuyến khích hình thành liên minh kích cầu mới dựa trên sản phẩm phù hợp nhu cầu du lịch tham quan, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng ngắn ngày, chăm sóc sức khỏe, du lịch golf...
Các khu, điểm du lịch, doanh nghiệp lữ hành, cơ sở lưu trú, kinh doanh dịch vụ du lịch phải nghiêm túc thực hiện hướng dẫn về phòng, chống dịch Covid-19. Nhiệm vụ tuyên truyền du lịch Việt Nam hấp dẫn, an toàn trên các kênh truyền thông được đề cao. Qua đó, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch muốn xóa bỏ tâm lý e ngại đi du lịch của người dân.
Kể từ khi đợt dịch thứ hai bùng phát, ngành du lịch Việt Nam đã chịu ảnh hưởng nặng nề. Theo thống kê từ Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, 95% doanh nghiệp lữ hành đã dừng hoạt động. Trong đó, 10% doanh nghiệp xin thu hồi giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành, chấm dứt hoạt động.
Công suất phòng của các doanh nghiệp lưu trú, khách sạn, resort tại Hà Nội và TP.HCM chỉ đạt 10%. Các vùng có dịch gồm Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi hầu như không có khách, trừ chuyên gia, người cách ly. Tại một số trung tâm nghỉ dưỡng như Khánh Hòa, Kiên Giang, Bình Định, Quảng Ninh, công suất chỉ đạt 3-5%.
Nguồn: Zingnews.vn